Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Bảo Lâm (Cao Bằng)

http://www.vietgle.vn/diendan/Thread/Index/LUeA7zK8ulQtnoK7IH5Ypw==?threadIndex=9372  

         Tắc đường nên phải gần 1 tiếng đồng hồ em trai mới thồ tôi tới được điểm tập trung, mà lẽ ra bình thường tôi chỉ đi mất 15 phút là cùng. Đúng 7h46 phút- 01/09/11 tôi có mặt tại sân trường Am (lúc chiều tôi còn phải đi “cày”), còn các “chiến hữu” ngồi hít bụi từ chiều bên kia đường để trông đồ (hic hic). Chúng tôi vừa chuyển đồ sang sân trường thì gió bão mù mịt, tui đang cắm mặt vào chiếc điện thoại nhắn tin cho Ếch ộp, ngẩng lên tui tưởng…bão cát, vù một cái, tui tót lên xe tránh bụi. Hoang tưởng chút, nhưng ko kém gì bão cát thật. Đúng 8h01 phút, xe chúng tôi bon bon trên đại lộ Thăng Long, nhằm thẳng hướng Hà Nội-Hà Giang, đích đến là thị trấn Bảo Lâm (Cao Bằng). Chúng tôi được “đánh võng” lên Hà Giang rồi mới vòng xuống Cao Bằng vì như vậy sẽ rút ngắn được gần 100km đường đi, lại tránh được đường xấu. Tôi uống thuốc chống say xe nên tít mít...ngủ, không có khái niệm gì về gần 5 tiếng đồng hồ đã lao đi vù vù theo bánh xe, hơn 2h sáng đến thị xã Hà Giang, khi xe đỗ chuẩn bị đỗ lại tìm quán ăn tôi mới tỉnh, nhưng ko có hàng quán nào còn mở hết… uhu  ....đành gặm lương khô. Gặm xong, tui xuống xe, lẽo đẽo theo mọi người đi quanh quanh ngắm cảnh đường phố. Tôi hít lấy hít để không khí trong lành, mát lạnh của thị xã miền núi đầu tiên tôi được đặt chân đến, có bao giờ tôi lại tưởng tượng đến một thành phố miền núi nào vừa rộng, sạch, thoáng mát và .....vừa hiện đại đến vậy. Cảnh sát cơ động đi trên những chiếc xe phân khối lớn, trông khá ấn tượng (khác hẳn dưới thủ đô nha), họ thấy băng-dôn dán trên đầu xe nên bỏ qua cho những kẻ “hành khất”, đứng ngồi lổm nhổm bên đường. Linh Liti vừa phải bắt xe từ Hải Phòng lên Hà Nội để kịp đi cùng mọi người nên chắc hơi mệt, cùng Gaconlonton mỗi tên một chiếc chăn, nằm thẳng cẳng, ngủ ngon lành trên bờ tường hoa bên đường làm cho các cô bác đi tập thể dục buổi sáng sớm…..hết hồn. 5 tiếng vừa rồi đủ để tôi nói "không!" với 1 cái chăn và 1 chỗ ngủ. Sau 2 tiếng "tách tách", tôi "sản xuất" ra 2 tấm hình chộp 2 đống chăn bất động, tôi và một vài tên trong đội lonton hỉ hả lắm, riêng bác Vinh râu kẽm đầu tàu bảo nếu 2 đôi dép không để ngay ngắn mà vứt mỗi đầu một chiếc thì chấm chấm chấm, đến lượt tôi...... hết hồn =>vì 1chút nhí nhố + 1 chút nghịch dại). Ban đêm đã đẹp, sáng sớm tôi phải trố mắt, à không, tôi mở to đôi mắt  bởi vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi cao bao quanh, ôm gọn lấy thành phố miền núi này. Mới từ tối đến sáng, được hít thở bầu không khí của 2 thành phố khác nhau một trời một vực, tất nhiên, trên đây là trời rồi . Trời sáng, chúng tôi lại tiếp tục lên đường theo hướng Bắc Mê (Hà Giang) để vào Bảo Lâm. Con đường uốn lượn lên đến lưng chừng núi thì thấy tấm biển ghi địa phận Bắc Mê, ngay chỗ tấm biển, tôi còn tưởng người ta sáng sớm đã đốt cái gì (có vẻ lúc đó đang ở trên núi mà tôi đã thấy nhớ đồng bằng, mỗi khi về quê đi qua cánh đồng bên bờ sông Đuống, người ta đốt rơm rạ mù mịt, chẳng nhìn thấy cả lối đi, có lúc khiến tôi phát cáu, có lúc lại thấy nhớ nhớ cái mùi cay cay ngọt ngọt rất đông, rất Bắc bộ), nhưng không phải, giờ tôi mới cảm câu thơ của Bác:

                                “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi”  

đẹp như thế nào. Núi non trùng điệp bao quanh, mây nhẹ nhàng tựa đầu vào núi, con đường cứ ngoằn nghèo uốn lượn, lên cao rồi lại xuống thấp rồi lại lên xuống rất “ngẫu hứng” khiến tai tôi cứ ù đi, có những đoạn gấp khúc bất ngờ, một bên là núi cao, còn một bên là vực sâu, khiến bất cứ ai lần đầu đặt chân đến cũng không khỏi sợ hãi pha lẫn cảm giác thích thú, và chút …. chạnh lòng, xót xa. Khi xuống đến chân núi, men theo con sông Gâm đang mùa nước cạn, rất dịu dàng, hiền hòa, nhưng chỉ cần nhìn những vách đá bị bào mòn thành những thớ đá bóng nhẵn, hoặc sắc lẹm, trông thì tuyệt đẹp như một kiệt tác, nhưng thừa sức “tố cáo” rằng: có những lúc con sông Gâm thay tính đổi nết, giận dữ vô cớ tạo nên. Sức đá còn phải chịu đau đớn vậy, sức người thì sao?

          Lần đầu tiên được đi đến những tỉnh miền núi phía Bắc tuyệt đẹp như vậy, tôi cứ mải dán mắt ngắm cảnh mây, núi, sông, nước, không "8" và “chém gió” kịp mọi người, chỉ thỉnh thoảng “bộp” được 1 câu, nhìu chuyện cũng phải có năng khiếu hihi . Mặc dù không có nắng vàng rực rỡ, chỉ có bầu trời âm  u nhưng vẫn đủ đẹp, đủ mê ly khiến tôi tham lam ngắm nghía, tiếc là chỉ chộp được có vài tấm hình. Mãi sau khi đến BL, nhận phòng xong mọi người mệt lả lăn ra ngủ tít, tôi “trốn” ngủ một mình đạp xe “căng hải” vào gần bản Pác Ròm, đang định qua cầu vào xem bên kia sông thế nào thì bà Phê-cà bạn tui réo về   : 

Đây là vài tấm hình tôi tranh thủ chụp được: 

(Thị trấn Pác Miầu)

(Cảnh trước trường tiểu học Nà Ca:)

(Lớp mẫu giáo dành cho bé từ 3-5 tuổi học chung một phòng): 

(Vì trời mưa tầm tã nên có bé không tới được trường trong ngày khai giảng đầu năm. Nghe cô giáo kể: các con đều là người dân tộc Tày, H'Mông, có hôm được nghỉ học, do các con còn nhỏ hoặc chưa rõ tiếng Kinh nên không hiểu và quên lời cô dặn vẫn đến trường, đợi không thấy các bạn và cô đến, các con ngồi khóc.... mà thương  )

          Đa số các con phải tự đến trường, không có người lớn đưa đón, hay ẵm bế các con bước qua một vũng nước giữa đường hay một đoạn đường bùn lầy... Tôi thấy xung quanh trường chỉ có vài ngôi nhà, (mà cũng không hẳn là "ngôi nhà"), trong khi các em học sinh đến trường rất đông, nghĩa là rất nhiều bé ở xa. Đôi chân các con to hơn so với tuổi vì hằng ngày các con phải đi hết quả đồi này đến quả đồi khác, thậm chí là quả núi để đến trường và lại về nhà bằng đôi chân bé nhỏ không giày không dép của mình, và còn cả không mũ nón, không ô che mưa nắng, nên đầu bé nào tóc cũng vàng hoe. Về nhà không có khi nào các con ôn bài, vì đi học về đã mệt lả, có khi phải phụ giúp gia đình, không đèn, không điện, không sách, cha mẹ cũng không biết chữ dạy cho con, mà họ cũng đầu tắt mặt tối lo bữa ăn hàng ngày còn chưa đủ no; thậm chí có bé còn.......như không cha không mẹ (như trường hợp em Mũ, báo Dântrí đã có bài viết về em, khi chúng tôi lên, người bố lại đi đâu hơn 10 ngày chưa về. Tôi được biết rằng, người dân tộc khi vợ hoặc chồng chết, người kia cũng sẽ bỏ mặc con cái mà đi lấy người khác, không đoái hoài gì đến các con với người vợ, người chồng cũ, không phải ai cũng vậy, nhưng tôi cũng tin có chuyện "khôi hài" hết mức này, cay mắt vì sự "hồn nhiên" của con tim. Khi ngồi trên ôtô tôi thấy những ngôi nhà bên sườn núi, nhưng tôi không hiểu họ xuống đường bằng cách nào nữa, vì không thấy rõ có đường đi gì cả. Con đường bên kia sông Gâm là để đi vào các xã vùng sâu vùng xa hơn, xa nhất là xã Đức Hạnh, cách chỗ chúng tôi chừng 74 km, là con đường gập ghềnh men theo sườn các ngọn núi chứ không phải như con đường được rải nhựa đưa chúng tôi vào tới Bảo Lâm. Ngay chỗ chúng tôi đến được, cuộc sống đã cơ cực, nghèo khổ mà cách đấy 74 km, tôi không thể hình dung cuộc sống sẽ ra sao, mà tôi cũng không muốn tưởng tượng tiếp nữa. Ngay tại nơi đây, có những căn nhà lụp xụp, thưa thớt, tách biệt và cheo leo nơi sườn núi; có những căn nhà nhỏ, thấp, ngay sát mặt đường thì nền nhà cũng sẽ ướt nhẹt, bẩn thỉu vì nằm trong "hệ thống thoát nước mưa", cứ mưa đến là nước mưa chảy tràn qua nền nhà xuống sông; những ngôi nhà khá giả hơn, bên dưới để nuôi gia cầm, gia súc, bên trên là nhà ở, rất mất vệ sinh,... 

Các em học sinh mẫu giáo và tiểu học trong ngày khai trường sớm 03/05/11:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét