Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Lạy ông Tr.............âu

Lạy trâu


Bà Hai đang lui cui phơi mớ lá chuối trước sân, ông Hai ngồi nhấm trà ở cái bàn đá chỗ hàng ba. Ông Hai húp ngụm trà, rồi thở dài rõ to đến nỗi bà Hai phải dừng tay, quay vào nhìn chồng, hỏi: - Chuyện gì mà than ngắn thở dài vậy ông, Tết nhứt tới nơi rồi, con cái sắp tụ họp về đông đủ sao không vui mà lại thở dài?


Ổi Rừng
(Truyện ngắn của tôi)


- Tụi nhỏ tụ họp về tui cũng vui nhưng...
Ông Hai buông lửng câu nói rồi lại thở dài. Bà Hai bỏ dở việc phơi lá đi vào, ngồi bệt xuống nền nhà, nhìn ông Hai với ánh mắt đầy cảm thông. Rồi đến lượt bà thở dài:
- Thôi ông an tâm đi, tui có chuẩn bị mọi thứ để gói bánh Tết cho con Chim và con Bỉnh rồi, tui không quên đâu.
Mặt ông Hai như giãn ra:
- Ừ, vậy để an ủi phần nào cho tụi nó, bao năm rồi mà thiệt vẫn cứ thương đứt ruột bà ơi...


Mắt ông Hai nhìn ra nơi ngày trước con Chim và con Bỉnh thường nằm nghỉ trưa trông sao mà buồn, vô định và xa xăm quá. Thì ông không buồn, không thương đứt ruột sao được, tụi nó đã gắn bó với ông bà hơn mười năm trời mà ngay cái khoảng thời gian cơ cực nhất của ông bà nên mới nhớ, mới thương dữ vậy chớ.


Nhớ ngày đó, hai ông bà tay trắng, cả nhà đi ở đậu người ta, hai vợ chồng cứ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà làm mướn. Rồi từ số tiền đi làm mướn, ông bà dành dụm mua được hai con nghé con bé xíu. Ngày ông dắt chúng về, bà Hai há hốc mồm vì không nghĩ hai con vật bé xíu trông như con chó này lại được gọi là trâu.


Nhìn hai con nghé mình trụi lông lỗ chỗ, đầy rận mà bà Hai thấy dạ xót xa muốn rơi nước mắt, tủi phận mình nghèo, nghèo đến nỗi con vật mua về cũng nghèo xơ xác theo. Ông Hai an ủi vợ, thôi thì hai vợ chồng mình ráng chăm sóc chúng thật tốt, rồi chúng sẽ lớn nhanh thôi. Và đúng là như thế, nhờ vợ chồng ông Hai ngày nào cũng thả cho hai con nghé đi ăn cỏ, tắm rửa, bắt rận... mà chỉ hơn hai năm sau, ai cũng bảo chẳng thể nhìn ra hai con "chó con" mà ông Hai mua về lúc trước. Hai con nghé xơ xác, còm nhom ngày nào giờ đã là hai con trâu tơ với thân hình thật khoẻ mạnh, mập mạp, lông đen mướt, chúng đã biết cày bừa, kéo xe...


Và điều đặc biệt nữa là chúng được ông bà Hai đặt cho những cái tên thật dễ thương. Một con tên Chim, một con tên Bỉnh. Không phải tự dưng có hai cái tên ấy mà có lý do cả. Con tên Chim thì có đôi sừng đen to, bóng mướt và cong vút như chim đang liệng cánh giữa bầu trời, con còn lại tên Bỉnh, không phải vì nó bầu bĩnh mà vì nó có tính rất bướng bỉnh, hay làm càn, không nghe theo lời điều khiển của chủ.
Ông Hai hay nói với các con:
- Ruộng vườn này, nhà cửa này, cả chúng mày được khôn lớn, ăn học đàng hoàng là cũng nhờ vào con Chim với con Bỉnh, không có tụi nó chắc gì gia đình mình trụ được đến ngày hôm nay.


Thực tế với ông Hai, ngoài cha mẹ ra, ông quý mến và biết ơn nhất không phải ai khác mà lại chính là con hai con trâu ông hết mực thương yêu. Không thương, không biết ơn sao được khi mà chúng đã đem lại cho gia đình ông gần như tất cả. Khi con Chim và con Bỉnh đã bắt đầu "lao động" được thì ông Hai nhận đi cày bừa thuê, kéo mướn cho người ta. Hơn ai hết, ông Hai hiểu rõ cái câu mà ông bà ta hay nói để chỉ sự làm lụng vất vả, cực khổ "cực như trâu". Không hiểu sao được khi mà ông luôn sát cánh với hai con vật đáng thương ấy để kiếm tiền mà lo cho cái gia đình nghèo khó của ông. Thực ra, người có trâu bò trong xóm không ít nhưng chủ yếu người ta để phục vụ cho công việc cày bừa, kéo xách của gia đình chứ ít ai chịu đi cày thuê, kéo mướn như ông Hai. Bởi thế mà khi vào mùa, "lịch" làm việc của ông Hai và con Bỉnh, con Chim luôn dày đặc, kín mít.


Mỗi ngày, ông và hai con trâu cơ cực từ hai giờ sáng đến hơn mười giờ trưa, nghỉ ngơi vài tiếng (thời gian đó hai con trâu được uống nước, nhai cỏ còn ông Hai thì dang cái lưng đen bóng dưới nắng mà cắt cỏ rồi bỏ vô bao để dành mang về tối cho chúng có mà ăn cho lại sức). Buổi chiều thì "bộ ba", ông Hai và hai con trâu lại bắt đầu làm việc từ hai giờ chiều cho đến gần bảy giờ tối, có hôm công việc gấp, người ta hối thúc quá "bộ ba" phải làm việc cả ban đêm, nhất là những đêm có trăng.



"Cày" miết mà mọi người xung quanh bảo ông Hai khoẻ như trâu, có người ghẹo bộ ông muốn chứng minh sức người bền hơn sức trâu hay sao mà làm thấy phát sợ?
Mặc. Ai nói gì thì nói, ông Hai cứ bám vào hai con trâu mà kiếm tiền, dù lòng dạ ông luôn cảm thấy có lỗi với chúng, bởi trâu thì trâu nhưng phải làm việc nhiều quá cũng sẽ kiệt sức thôi. Nhiều khi ông nói chuyện với hai con trâu như nói chuyện với người, chủ yếu là động viên chúng, bảo chúng cố gắng đi rồi ông sẽ cho chúng "về hưu" sớm, sẽ chăm sóc chúng thật tử tế cho đến khi nào chúng già, chết ông sẽ mang đi chôn chứ không xẻ thịt bán. Với ông, chúng không chỉ là hai con trâu mà còn là hai người bạn, hai ân nhân đã cưu mang gia đình ông quá nhiều. Ông Hai nói thế cũng dễ hiểu thôi bởi từ tiền đi cày bừa, kéo mướn mà ông đã mua được miếng đất cất nhà, mua được hơn mẫu ruộng để cày cấy nuôi bốn đứa con ăn học. Mộng của ông là các con ông sẽ được ăn học đến nơi đến chốn, đi làm việc bàn giấy như người ta chứ không phải suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời như vợ chồng ông.


Và cũng chính vì cái mộng cao xa ấy mà ông mãi mãi là người thất hứa, mãi mãi trong lòng ông là sự hối lỗi vô bờ. Mọi người xung quanh kéo đến an ủi, động viên ông bà, họ bảo: "Dù sao chúng cũng chỉ là hai con trâu thôi!". Ông Hai cười trong nước mắt, lẩm nhẩm: "Ừ, thì hai con trâu thôi nhưng ông chưa từng chịu ơn ai nặng như với hai con trâu tội nghiệp đó!". Rồi ông lại khóc, có lẽ ông là thằng đàn ông khóc nhiều, khóc dai nhất trên thế gian này. Ông khóc từ khi trong đầu có ý nghĩ sẽ bán con Chim, con Bỉnh và mấy con trâu ông có (là con của con Chim, con Bỉnh) và đem bằng khoán đất đi cầm cho ngân hàng để lấy tiền cho thằng Út đi du học. Thằng Hai, con Ba đã tốt nghiệp đại học và đi làm cả nhưng khổ nỗi lương hướng cũng chẳng nhiều mà chúng lại phải lo cho gia đình riêng làm sao có nhiều tiền thế mà cho ông mượn. Còn thằng Tư thì đang học đại học năm cuối, nó có đi làm thêm nhưng cũng chỉ đủ để nó chi tiêu hằng tháng. Còn nếu vay nóng ở ngoài thì làm sao trả nổi, ông bà quá già rồi, sức đâu mà đi cày thuê cuốc mướn.


Hơn tháng trời dằng dai, hơn tháng trời ông bà Hai nghĩ nát óc cũng không tìm đâu được cách lo tiền cho con đi du học mà không phải bán bầy trâu, cầm giấy đất. Thằng Út thì mặt mày ủ dột như một tội đồ, nhiều lúc nó bảo, thôi cả nhà quên chuyện cho nó đi du học đi. Thằng Út nói thế kệ nó, ông bà Hai vẫn phải nghĩ hết cách để lo bởi ông bà biết rằng đây là cơ hội có một không hai với thằng Út, học bổng người ta đã tài trợ hết ba phần tư chi phí, gia đình chỉ phải lo một phần tư còn lại. Có thể nói thằng Út là đứa con mà ông Hai đặt nhiều tình cảm, tâm huyết nhất. Thằng Út sinh năm Sửu, ông muốn đặt nó tên trâu lắm nhưng ai đời lại đặt tên con như vậy, thế là ông đặt trại ra là Châu, Phước Châu. Ông nghèo, dốt, chẳng biết chữ nghĩa gì nhiều, ông chỉ có ý đại khái là ông muốn nói trâu đã ban phước rất nhiều cho gia đình ông.


Sáng cái hôm mà mấy ông lái bảo sẽ đến chồng tiền, dắt đàn trâu đi, con Chim và con Bỉnh không thèm liếm lấy cọng cỏ dù toàn là cỏ non tơ do ông Hai đi tìm cắt về cho chúng ăn lần cuối. Ông bà Hai như muốn ngất xỉu khi nước mắt chảy dài trên má con Chim và con Bỉnh lúc ông bà đến vuốt ve, nói lời từ biệt với chúng. Con Chim với con Bỉnh cứ đi xoay vòng, xoay vòng để quấn hết dây vào gốc xoài, chắc chúng nghĩ, chúng quấn chặt dây như thế người ta không thể tháo dây ra mà mang chúng đi được. Rồi chúng liếm mặt, liếm tay, nhai vạt áo ông Hai, còn ông chỉ còn biết ôm chúng mà rơi nước mắt.


Hôm đó không phải là Tết nhưng bà Hai gói mớ bánh cắp, bánh chưng, đổ vào thúng hơn nửa thúng gạo, cho vào ít muối và tất cả số tiền mà ông bà có được khi bán bầy trâu. Bà đặt cái thúng ấy trước mặt con Chim, con Bỉnh, khấn lầm thầm thật lâu rồi kêu thằng Út ra lạy trâu mà lấy tiền đi học. Nhớ từ khi còn nhỏ, cứ mỗi mùng ba Tết, thằng Út lại tranh thủ dậy thật sớm để khi ông Hai cúng trâu xong nó lạy trâu mấy lạy rồi gom tiền cúng với vẻ mặt tươi roi rói. Còn hôm nay thì khác, thằng Út quỳ sụp xuống trước mặt bầy trâu mà khóc, khóc mãi, lạy mãi mà không động vào mấy cọc tiền dày cộm trước mặt...


Mùng ba Tết, ông bà Hai dậy thật sớm, lui cui chuẩn bị bánh trái, gạo muối, ít tiền mang ra nơi ở ngày trước của con Chim, con Bỉnh mà thắp nhang cúng. Đứa cháu gái con thằng Hai lủn đủn đi theo ông bà. Ông Hai bảo:
- Con quỳ xuống lạy trâu đi con!
Con bé tròn xoe đôi mắt nhìn ông nội một hồi rồi hỏi:
- Nhà mình có trâu đâu mà lạy hả ông? Mà tại sao người lại phải lạy trâu ông nhỉ?


Ông Hai kéo đứa cháu gái vào lòng rồi ngồi bệt lên đống rơm mà kể cho nó nghe về con Chim và con Bỉnh rồi giải thích thêm với cháu gái rằng: với người nông dân, con trâu không chỉ là con vật phục vụ cho việc cày kéo mà còn là một ân nhân, một người bạn trung thành, tận tuỵ. Dù có phải làm việc cật lực nhưng cũng không hề oán trách mà ngược lại chúng rất thương và trung thành với chủ. Vì thế mà mỗi mùng ba Tết, người nông dân có tục Tết trâu, bắt con cháu lạy trâu để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với chúng. Nói xong, mắt ông Hai hoe đỏ. Đứa cháu gái vuốt vuốt mớ tóc trên trán ông rồi bảo:
- Cháu biết rồi ông ơi, ông đừng buồn. Cháu hứa với ông, năm nào Tết cháu cũng về lạy trâu cho ông, ông chịu không?


Không chờ ông nội trả lời, cô bé quỳ xuống, chắp tay lên trán đầy thành khẩn vừa lạy vừa khấn: "Ông trâu ơi, con lạy ông trâu nha, lạy thật nhiều, nhưng ông nhớ đừng cho ông nội con buồn nữa, con lạy ông trâu, lạy ông trâu..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét